Giới thiệu về kỹ thuật cán màng
Cán màng là một biện pháp bảo vệ và góp phần trang trí bề mặt của vật liệu in ấn, nhờ đó kỹ thuật này được sử dụng rất phổ biến trong quá trình sau in. Chẳng hạn như hầu hết các bìa sách đều được xử lý bằng kỹ thuật cán màng.
Sau khi áp dụng kỹ thuật cán màng lên hộp giấy cứng, bề mặt hộp sẽ mịn màng hơn, chống bẩn, chống nước và chống các loại trầy xước tốt hơn, đồng thời các hình ảnh in trên mặt hộp sẽ có màu sắc sáng và sống động hơn. Do đó, việc áp dụng các kỹ thuật cán màng lên các hộp bao bì sản phẩm sẽ giúp tăng khả năng chống mài mòn và nâng cao tuổi thọ của vật liệu in, đồng thời tăng cường chất lượng vẻ ngoài của chúng.
Điều đáng chú ý nhất của kỹ thuật cán màng là có thể giúp phần nào che phủ được các khuyết điểm về chất lượng của sản phẩm in ấn.
Phạm vi áp dụng
Với giấy có khối lượng trên 200g, khi các xưởng in hộp giấy cứng cần in các thiết kế có phần màu in đặc, quy trình gấp phải sử dụng kỹ thuật cán màng để đảm bảo hiệu quả in.
Với giấy có khối lượng dưới 128g, việc cán màng một mặt dễ khiến cho bề mặt in bị cuộn lại do sự căng bề mặt ở cả hai mặt. Ngoài ra sau khi cán màng mờ, độ bão hòa màu sắc trên bao bì sẽ bị giảm đi một chút.
Các loại cán màng
Cán màng mờ
Cán màng mờ là một loại cán màng phổ biến. Các hộp sản phẩm với màng mờ có bề mặt mịn và trong giúp người dùng dễ đọc hơn vì không gây chói. Loại màng này khiến hộp sản phẩm trông tự nhiên và tăng thêm chất lượng của sản phẩm.
Cán màng bóng
Cán màng bóng là một kỹ thuật cán màng cổ điển. Lớp nhựa sử dụng trong cán màng bóng có bề mặt mịn, phản chiếu ánh sáng tốt và rất hiệu quả trong việc làm cho sản phẩm trở nên bóng bẩy và bắt mắt. Các xưởng in hộp cứng chuyên nghiệp thường áp dụng màng bóng ở cả hai mặt của sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả thị giác tốt và mức độ bảo vệ cao chống lại các va chạm, thường được áp dụng khi in hộp quà tết hoặc in hộp bánh trung thu.
Cán màng nhung (Soft Touch)
Cán màng nhung là một loại cán màng dành cho các sản phẩm cao cấp và sang trọng, hướng tới thỏa mãn hai giác quan là thị giác và xúc giác. Loại cán màng này có nhiều điểm giống như cán màng mờ và mang lại cảm giác mềm mịn như lụa.
Cán màng nilon
Cán màng nilon ít phổ biến hơn các loại trên, cán màng nilon thường được sử dụng cho bìa sách và các loại bề mặt bằng bìa cứng. Kỹ thuật này không tạo nếp gấp trên bề mặt hộp sản phẩm và thường chỉ được áp dụng trên một mặt của hộp sản phẩm giúp bề mặt cán nilon bền hơn.
Quy trình thực hiện kỹ thuật cán màng
Cán màng có quy trình thực hiện khá đơn giản. Sau khi xưởng in hộp giấy cứng in xong phần thiết kế trên bao bì, các tờ bao bì này sẽ được đưa qua một thiết bị sử dụng trục lăn để phủ một lớp nhựa trong suốt lên một hoặc cả hai mặt của tờ giấy. Thiết bị này thường sử dụng áp suất và nhiệt độ để đảm bảo lớp màng dán chặt vào bề mặt. Sau khi lớp nhựa đã được phủ lên vỏ bao bì, các tờ giấy này sẽ được cắt thành kích thước và hình dạng mong muốn.
Cán màng thường có thể áp dụng cho cả bao bì in offset và in kỹ thuật số theo độ dày 1.5 mil, 3 mil, 5 mil và 10 mil. Cán màng với độ dày 1.5 mil là loại mỏng nhất và rẻ nhất, nhưng nó khá mềm và hiệu quả không cao. Độ dày 3 mil là kích thước phổ biến và hiệu quả về chi phí. Cán màng độ dày 5 mil có trọng lượng trung bình, mang lại độ cứng cho các sản phẩm in mà không quá cứng. Độ dày 10 mil tương tự như màng được sử dụng trên bằng lái xe.
Ưu điểm của kỹ thuật cán màng
- Màu sắc chân thực: khi phủ một lớp màng trong suốt lên hộp giấy cứng sản phẩm, cán màng giúp khách hàng thấy được phần thiết kế trên vỏ hộp với màu sắc sáng và rõ nét hơn.
- Dễ vệ sinh: các sản phẩm được cán màng rất hữu ích vì chúng dễ vệ sinh. Bạn chỉ cần sử dụng một chiếc khăn lau và nước khử trùng là có thể làm sạch phần vỏ của những chiếc hộp với lớp cán màng bên ngoài.
- Tăng độ bền: Cán màng là một biện pháp được các doanh nghiệp và xưởng in hộp giấy cứng áp dụng phổ biến để làm cho các sản phẩm in ấn cứng cáp và bền bỉ hơn. Đặc biệt là cán màng bóng giúp cho phần bao bì sản phẩm có chất lượng cực kỳ chắc chắn và khả năng chống chịu tốt giúp chúng ít bị ảnh hưởng bởi nước và các yếu tố khác, từ đó cũng giúp tiết kiệm chi phí sửa chữa hoặc thay mới.
- Tăng thêm sự sang trọng: Trải nghiệm giác quan là yếu tố quan trọng trong khâu tiếp thị và bán hàng. Vẻ ngoài và cảm giác dễ chịu của sản phẩm với lớp cán màng giúp tăng chất lượng của sản phẩm và tạo hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp. Nhờ sự sang trọng và cao cấp do lớp màng này mang lại, các doanh nghiệp thường áp dụng kỹ thuật này khi in hộp yến sào hoặc in hộp rượu.
Nhược điểm của kỹ thuật cán màng
Ngày nay, nhận thức về bảo vệ môi trường của con người ngày càng tăng và thậm chí một số điều luật liên quan đang được hoàn thiện và ban hành. Hai vấn đề lớn nhất của kỹ thuật cán màng là ô nhiễm phát sinh trong quá trình thực hiện và khó khăn trong việc tái sử dụng các sản phẩm đã được cán màng lớp bề mặt do chất liệu của quy trình này chủ yếu là nhựa.
Cải tiến và phát triển
Công nghệ màng phủ trước
Công nghệ màng phủ trước là quá trình màng nhựa được phủ trước và cuộn lại trước khi cán bản in giấy.
Đầu tiên, đơn vị xử lý màng phủ trước áp màng nhựa vào cuộn theo các thông số khác nhau về chiều rộng của màng để cho các nhà sản xuất lựa chọn, sau đó cán chúng lên bề mặt in ấn.
So với các loại màng bọc, màng phủ trước có nhiều ưu điểm đáng chú ý. Chẳng hạn như giảm ô nhiễm, không gây hại cho con người, không ảnh hưởng đến chất lượng kỹ thuật cán màng do tính chất khác nhau của giấy hoặc màu mực, hoạt động của máy cán màng phủ trước đơn giản hơn, xử lý hình ảnh tốt hơn, hầu như không xuất hiện các hiện tượng như nhăn, bong tróc và bong bóng khí.
Công nghệ cán màng nước
Đây là phương pháp xử lý bề mặt của vật liệu in ấn để cải thiện độ bóng và độ chắc chắn của bề mặt in ấn và tăng cường hiệu ứng thẩm mỹ.
Để đo lường chất lượng của kỹ thuật cán màng, các xưởng in hộp giấy cứng phải xem xét độ sáng, độ mạnh, độ kết dính, v.v. Cán màng nước được sử dụng rộng rãi nhờ khả năng chịu lực cao, dễ tái chế và tính không gây ô nhiễm cho vật liệu in ấn.
Lớp màng phân hủy sinh học
Sử dụng các vật liệu phân hủy sinh học cho lớp cán màng sẽ giúp các hộp giấy cứng không gây ô nhiễm cho môi trường sau quá trình cán màng. Công nghệ này đang ngày càng phổ biến và được nhiều thương hiệu nổi tiếng cũng như các xưởng in hộp giấy cứng uy tín áp dụng.
Lược dịch từ linkedin.com và theprintauthority.com